Sống ở chung cư bình dân và những bất tiện

Sống ở chung cư bình dân và những bất tiện

>>> Xem thêm: Những lưu ý khi mua nhà chung cư

1. Luôn thiếu chỗ để xe và kẹt thang máy

Các chung cư bình dân thường có số căn hộ 1 tầng rất lớn từ 15 - 20 căn/tầng. Như anh Nam đang sống tại 1 khu chung cư cao 40 tầng tại Hà Nội với hàng trăm hộ dân nhưng cả khu nhà chỉ có một hầm gửi xe duy nhất nên ôtô đương nhiên phải để ngoài trời. Thậm chí xe máy vẫn phải để ngoài trời vì quá tải. Đôi khi lại xảy ra những vụ cãi vã vì tranh giành chỗ đâu xe giữa những người dân sống tại đây.

Chuyện đi thang máy còn trở nên kinh khủng hơn khi số lượng thang máy quá ít so với số lượng căn hộ. Vào những giờ cao điểm như buổi sáng phải đợi từ 10-15 phút mới sử dụng được thang máy. Cảnh tượng này còn kinh khủng hơn khi thang máy bảo trì hay hỏng hóc.

2. Lo sợ về cháy nổ trong chung cư

Chị Hòa (Hà Đông, Hà Nội) đã có 1 dịp hoảng hồn khi tới chơi nhà 1 người thân đang sống tại 1 chung cư giá rẻ tại Hà Nội. Chị phát hiện có khói cháy mù mịt nên phải bế con chạy từ tầng 15 xuống trong khi hệ thống báo cháy tòa nhà không hoạt động. Điều đáng lo ngại hơn nữa là cầu thang thoát hiểm nhiều chung cư được thiết kế không đúng kỹ thuật hoặc bị khóa không cho sử dụng do lo ngại an ninh vì không có bảo vệ trông coi.

3. Cách âm kém

Tường ngăn giữa các căn hộ chung cư ở một số nơi rất mỏng (tường 10 cm) nên ban đêm trẻ em nhà này khóc, nhà bên cạnh nghe chói tai. Ngoài ra, phần sàn cách âm kém nên mỗi khi nhà tầng trên sửa, khoan, đục, băm chặt, giã cua, trẻ chạy nhảy trong nhà hay ngoài hành lang..., ở tầng dưới thường nghe rất rõ. 

4. Nhà thường xuyên bị thấm, nứt

Đây là vấn đề nhức nhối nhất của các chung cư bình dân giá rẻ khi chất lượng công trình không được đảm bảo. Hầu như ở dự án chung cư nào cũng xảy ra tình trạng thấm nứt, đáng báo động hơn nhiều nhà nước thấm chảy thành dòng như mưa ngay trong nhà.

5. Thiếu không gian sinh hoạt chung cho cư dân

Thường thì những chung cư bình dân ban quản lý thường tận dụng, cơi nới và lấn chiếm những không gian sinh hoạt chung để kiếm thêm lợi nhuận. Nhiều khu vực như nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi trẻ em bị tận dụng để buôn bán, làm chỗ gửi xe hoặc làm nhà kho.

6. Không phải hộ dân nào cũng có ý thức giữ vệ sinh chung

Chị Hoa (Mỹ Đình, Hà Nội) kể, khu nhà chị có họng đổ rác trong phòng đổ rác khép kín, nhưng nhiều gia đình không bỏ đúng vào họng này mà để bầy bừa xung quanh. Có gia đình còn bỏ luôn vàng mã đang cháy âm ỉ vào họng rác, gây khói và nguy cơ cháy nổ. Tình trạng bỏ nguyên cả cành đào, cành quất vào các họng rác chung cư sau mỗi dịp Tết cũng không phải là hiếm.