Điểm mặt qua những công trình ghi dấu tên tuổi của những đại gia Việt
Xây dựng công trình Đại Nam trị giá hàng nghìn tỷ chỉ để thu bạc cắc, làm nhà thờ danh nhân trị giá hàng trăm tỷ đồng, hay bỏ nghìn tỷ để xây trường học tặng người nghèo... là cách một số doanh nhân Việt thể hiện ước muốn của mình.
>>> Bitexco nằm trong top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam
Nổi đình nổi đám nhất và tự nhận là tạo một công trình để đời, có lẽ là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò Vôi) với khu Đại Nam Quốc tự được đầu tư tới 3.000 tỷ đồng. Ông từng là một doanh nhân nổi tiếng ở tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), khi quyết định đầu tư xây dựng các khu công nghiệp như Bình Đường, Sóng Thần. Giờ đây, con người ấy đã dành cả khoảng đời còn lại của mình cho một công trình tầm cỡ ở tỉnh Bình Dương: khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến.
Với 450 ha, khu du lịch là chuỗi các đình, đền, tường thành, núi non, sông nước, biển nhân tạo, vườn thú... được xây dựng trải dài gần 20 km. Đặc biệt là đền thờ Đại Nam - điểm nhấn của cả khu Đại Nam, cùng hệ thống tường thành dài 13 km, được thiết kế với nhiều tượng, phù điêu dát vàng, tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam. Hạng mục nào tại Đại Nam cũng hướng về cội nguồn, gợi nhớ đến công ơn tổ tiên.
Đại Nam quốc tự khi về đêm
Giải thích cho việc đầu tư công trình này, ông Dũng nói, đó là một công trình tâm huyết, máu thịt mà ông mong muốn để lại cho đời. Quả thật, trong con mắt của nhà kinh doanh, nếu tính toán thì sẽ không ai đầu tư xây dựng khu du lịch kiểu như vậy. Với hơn 450 ha đất, nếu xây khu đô thị hoặc phân lô ra bán thì sẽ ra bao nhiêu tiền của, trong khi xây khu du lịch, tốn kém hàng ngàn tỷ đồng, nhưng lại lượm bạc lẻ. “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”, ông Dũng chiêm nghiệm. Để đảm bảo dự án được để đời, ông Dũng cho biết sẽ làm di chúc cho con cháu không được mang khu Đại Nam ra thế chấp ngân hàng, không được bán buôn như bất động sản... Con cháu chỉ được thừa kế, tôn tạo, tu bổ công trình này.
Nếu Đại Nam Văn Hiến là công trình hướng về cội nguồn và để đời của ông Dũng thì Bitexco Financial Tower cũng có thể được gọi là công trình để đời của ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch tập đoàn Bitexco.
Với 68 tầng, tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, tòa tháp Bitexco được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh búp sen, thể hiện văn hóa truyền thống của Việt Nam, khát vọng vươn lên của dân tộc và là biểu tượng cho một Việt Nam mới đầy năng động.
Và thực tế, Bitexco đã từng là 1 trong 20 tòa nhà chọc trời biểu tượng nhất thế giới do CNNGo - website về du lịch và phong cách sống - phối hợp với kiến trúc sư Eugene Kohn, người sáng lập kiêm Chủ tịch của Công ty Kohn Pedersen Fox Associates KFP, bình chọn.
Tòa tháp Bitexco
Cho dù công trình cao 262 m này không còn là tòa nhà cao nhất Việt Nam và hiệu quả kinh doanh không cao (vì diện tích cho thuê thấp hơn 30% so với các tòa nhà vuông thành sắc cạnh khác), ông Hội cũng có thể tự hào rằng đã thực hiện được một công trình có tính biểu tượng cho sức mạnh và ý chí của người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Trong khi một số người giàu tính chuyện để đời bằng những công trình hoành tráng ngàn tỷ thì cũng có một bộ phận người giàu “ít hơn” chọn cách để lại dấu ấn nhỏ hơn. Và câu chuyện xây nhà từ đường hay nhà thờ họ là khá phổ biến ở Việt Nam.
Doanh nhân Trần Văn Sen, Chủ tịch công ty sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Sen, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu bia Đại Việt, chẳng hạn, đã bỏ tiền tỷ, mua lại gần 10 ha đất làng Mẹo, ngôi làng được mệnh danh là làng tỷ phú ở tỉnh Thái Bình, giá đất ở đây đắt không kém thủ đô Hà Nội, để xây dựng đền thờ Đức Hoằng Nghị Đại vương.
Đây được đánh giá là lăng mộ thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Móng lăng ăn sâu xuống lòng đất 4,2 m, được đổ bê-tông kín đặc tạo thành tầng hầm rất rộng, chứa mộ phần của Đức Hoằng Nghị Đại vương. Trên mặt đất, lăng có 3 tầng, 6 mái, cao 41 m. Các chi tiết trong mộ khá cầu kỳ, phủ màu vàng và đỏ. Đặc biệt, nơi đây còn có tượng các vua quan đời Trần bằng đồng nguyên chất, ngoài phủ vàng. Trên trần các tầng đều có chữ Phúc.
\
Chùa Vàm Ray do ông Trầm Bê hiến tiền xây dựng
Một người giàu khác, vốn nổi đình nổi đám trong thời gian qua bởi vụ thâu tóm ngân hàng Sacombank là Trầm Bê, lại có kiểu để đời theo một cách khác. Năm 2004, gia đình ông đã phát tâm phục chế và cải tạo chùa Vàm Ray với tổng chi phí gần 60 tỷ đồng. Ông Trầm Bê là người theo Phật giáo Nam tông Khơ-me. Cách cửa biển Định An khoảng 7 km về hướng Trà Vinh, chùa Vàm Ray tọa lạc ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chùa được chính thức khánh thành vào ngày 22.5.2008. Sau khi phục chế, Vàm Ray trở thành ngôi chùa Khơ-me lớn nhất Việt Nam.
Mặc dù vẫn có không ít người cho rằng xây nhà thờ họ hay xây chùa là cách tiêu tiền không hợp lý, nhưng nếu suy xét kỹ, nhất là về mặt văn hóa thì những việc làm ấy là dễ hiểu và đáng trân trọng. Chúng có thể không gây hiệu ứng xã hội lớn lao, nhưng lại tạo một niềm tự hào trong tộc họ và cho một tôn giáo.
Việc xây dựng chùa Vàm Ray có thể khởi phát từ lòng tin tôn giáo của ông Trầm Bê, nhưng công trình này có thể giúp lưu lại tên tuổi của ông cho hậu thế. 100 năm nữa có thể sẽ không còn ai nhớ ông với vụ thâu tóm Sacombank, nhưng cái tên Trầm Bê với pháp danh Tắc Hậu được ghi trên bảng công đức đặt ngay đường lên chánh điện chùa Vàm Ray sẽ còn được nhiều phật tử biết đến.
Công ty đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ cùng với các thành viên xây dựng tại mỗi tỉnh, thành một trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất
Trong số các đại gia Việt Nam xây dựng các công trình "để đời", ông Dương Công Minh - Chủ tịch tập đoàn Him Lam có cách làm rất đặc biệt. Vị đại gia này đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để xây trường học trên khắp Việt Nam để tặng cho các tỉnh, thành phố. Có những ngôi trường mà để xây dựng, đại gia này phải chi tới gần 100 tỷ đồng - số tiền bằng ngân sách làm chương trình xã hội trong nhiều năm của cả những tập đoàn nước ngoài lớn, nổi tiếng về từ thiện tại Việt Nam. Khó có một đại gia nào tại Việt Nam có cách "để đời" đáng trân trọng hơn.
(Theo Nhịp cầu đầu tư)